“Bột ngọt” là một trong những loại gia vị quen thuộc trong nấu ăn của hầu hết các gia đình người Việt. Mặc dù thế, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc chế biến cũng như những thông tin thú vị khác về loại gia vị này. Hãy cùng hocnhanh247 tìm hiểu ngay về bột ngọt nhé.
Bột ngọt là gia vị quen thuộc được dùng trong chế biến món ăn. Ảnh: Internet
Bột ngọt là gì?
Bột ngọt hay mì chính thực chất là Monosodium Glutamate (MSG). Đây là muối Natri của Acid Glutamic – một trong hơn 20 loại Axit Amin cấu tạo nên protein của cơ thể con người. Trung bình, một người nặng từ 60 – 70kg có khoảng 14-17% Protein, trong đó gần 1/5 là Axit Glutamic.
Bột ngọt là muối Natri của Acid Glutamic. Ảnh: Internet
Ở dạng tinh thể, bột ngọt rắn và có dạng hình que, không màu, không mùi, rời rạc, dễ tan trong nước, tan vừa phải trong cồn và có vị ngọt như vị Umami theo cách gọi của người Nhật Bản. Bột ngọt được sử dụng với vai trò là một gia vị khá quen thuộc trong chế biến món ăn.
Bột ngọt làm từ đâu?
Vào năm 1908, GS Kikunae Ikeda, Đại học Hoàng gia Tokyo (Nhật Bản) đã khám phá ra chất tạo nên vị ngọt như thịt của tảo biển chính là Natri Glutamat. Chất chiết xuất từ tảo biển này bắt đầu được sản xuất và sử dụng rộng rãi vào năm 1909. Bột ngọt cũng có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên như: thịt, cá, sữa và trong rau quả như: cà rốt, đậu, ngô…
Bột ngọt được làm chủ yếu từ 3 phương pháp gồm: thủy phân đạm thực vật; tổng hợp hóa học từ Acrylonitrile và lên men vi khuẩn. Trong đó, lên men vi khuẩn là phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay từ một số loại nguyên liệu tự nhiên như: bắp, mía, củ cải đường, sắn… Sau khi sơ chế, các nguyên liệu này sẽ được chế biến thành dạng dung dịch, sau đó được bổ sung vi sinh vật để cho lên men và kết tinh thành bột ngọt.
Ăn bột ngọt có tốt không?
Thành phần chính của bột ngọt là Axit Glutamic – một trong nhiều Axit Amin có vai trò quan trọng với quá trình trao đổi chất, xây dựng cấu trúc Protein và các cấu tử của tế bào… trong cơ thể con người.
Do đó, nhiều kết quả thí nghiệm cũng như khảo sát khoa học trên động vật và cả con người đã kết luận rằng: “Bột ngọt bảo đảm an toàn cho mục đích sử dụng đối với mọi lứa tuổi” và “chưa thấy bột ngọt ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng”. Với bản chất như thế, bột ngọt sẽ rất tốt nếu ta dùng đúng liều lượng phù hợp với các loại thức ăn.
Bột ngọt sẽ rất tốt nếu ta dùng đúng liều lượng phù hợp. Ảnh: Internet
Cách sử dụng bột ngọt hợp lý trong nấu ăn
Bột ngọt cũng chỉ là một chất phụ gia, chất điều vị thực phẩm, giúp món ăn ngon miệng hơn chứ không thể thay thế các loại thực phẩm khác. Bột ngọt là muối Natri Glutamate nên có Na+ (sodium) như muối ăn và cũng là một chất điện giải cần thiết cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Việc sử dụng bột ngọt như thế nào là hợp lý để vừa giúp tăng cường vị ngon cho món ăn, vừa đảm bảo sức khỏe chính là thông tin mà chúng ta không nên bỏ qua.
PGS.TS.BS. Tạ Thị Tuyết Mai – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Bột ngọt là một gia vị quen thuộc giúp mang lại vị umami, làm món ăn ngon hơn. Nhiều tổ chức y tế và sức khỏe uy tín trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xác nhận bột ngọt là một gia vị an toàn với liều dùng hàng ngày (ADI – acceptable daily intake) “không xác định”. Tại Việt Nam, bột ngọt nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm và không quy định liều dùng hàng ngày của Bộ Y tế. Lượng bột ngọt dùng mỗi ngày tùy thuộc vào khẩu vị và sở thích của người sử dụng sao cho đạt đến vị ngon vừa miệng nhất. Nhìn chung, người tiêu dùng nên lưu ý sử dụng gia vị hợp lý để vừa giúp tăng cường vị ngon cho món ăn, vừa đảm bảo sức khỏe.Bên cạnh gia vị, cần lưu ý cân đối nguyên liệu sao cho đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày là đạm, đường bột, béo và vitamin/khoáng chất.”
Trên đây là những thông tin, kiến thức tổng hợp về bột ngọt hay mì chính. Hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn và biết cách sử dụng loại gia vị này một cách phù hợp trong nấu nướng để các món ăn thêm phần hấp dẫn, lôi cuốn.
Có thể bạn quan tâm:
- Dầu hào là gì? Dùng để làm gì? Những lưu ý khi sử dụng
- Mù tạt là gì? “Ông vua” của các loại gia vị
- Cajun là gì? Tìm hiểu gia vị đặc sắc của ẩm thực Mỹ